Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Chữa bệnh bằng... nhiệt

Từ lâu, nhân dân ta đã biết sử dụng các biện pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh để chữa đau lưng, đau khớp, sưng nề sau chấn thương, hoặc điều trị các viêm tấy. Để chườm nóng hoặc chườm lạnh, người ta sử dụng các chất trung gian truyền nhiệt...

Nhiệt là đại lượng đặc trưng cho cảm giác nóng hoặc lạnh. Từ định nghĩa đó người ta chia ra: nhiệt nóng, nhiệt trung hòa, nhiệt lạnh. Nhiệt nóng là nhiệt độ cao hơn, còn nhiệt lạnh là nhiệt độ thấp hơn vùng cơ thể mà nhiệt tác động. Nhiệt trung hòa là nhiệt độ ngang bằng với nhiệt độ của vùng cơ thể mà nhiệt tác động, và không gây ra cảm giác thay đổi về nhiệt. Trong y học, người ta sử dụng nhiệt nóng và nhiệt lạnh để điều trị.

Tất cả các chất thỏa mãn các điều kiện như không gây độc hoặc dị ứng khi tiếp xúc với da, giữ nhiệt lâu và truyền nhiệt từ từ, dễ sử dụng, đều có thể dùng làm chất trung gian truyền nhiệt.

Trong các khoa Vật lý trị liệu người ta sử dụng paraffin, túi silicagen, khay nhiệt điện, túi chườm nhiệt sử dụng điện. Trong dân gian thường dùng cám rang, muối rang, lá cây sao nóng, túi nước nóng, ngâm trong nước nóng, để làm các chất trung gian truyền nhiệt. Sử dụng nhiệt để điều trị đã mang lại hiệu quả rất tốt, nhưng nếu dùng không đúng có thể gây thêm tác dụng có hại. Vì vậy hiểu biết về tác dụng của nhiệt trong chữa bệnh là kiến thức cần thiết đối với mỗi người.

Nhiệt nóng

Tác dụng của nhiệt nóng là gây giãn mạch, làm tăng lượng máu đến vùng điều trị. Nhờ việc tăng tuần hoàn và dinh dưỡng cho vùng điều trị sẽ kích thích quá trình tái tạo tế bào, hàn gắn tổn thương. Nhiệt nóng còn làm tăng các phản ứng sinh học, tăng quá trình chuyển hóa của mô, làm tăng tái tạo mô, làm tăng tính thấm của mô, tăng trao đổi dịch giữa khoang máu và khoang kẽ tế bào, do đó làm tăng quá trình hấp thu dịch nề, làm giảm nề, giảm đau; Làm tăng khả năng xuyên mạch của bạch cầu, tăng khả năng thực bào của bạch cầu, làm phân tán nhanh các chất trung gian gây viêm, do đó làm giảm viêm cả viêm do nhiễm khuẩn và viêm không do nhiễm khuẩn...

Vì vậy, nhiệt nóng được dùng rộng rãi để điều trị các vùng viêm do nhiễm khuẩn giai đoạn viêm tấy chưa hóa mủ (như viêm cơ), điều trị các trường hợp viêm không do nhiễm khuẩn (như viêm khớp dạng thấp, viêm quanh khớp vai, viêm cột sống dính khớp), điều trị các vùng đau do thoái hóa (như đau cột sống cổ, đau thắt lưng, đau khớp do thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp); làm giảm nề, tan khối máu tụ sau chấn thương; làm nhanh liền sẹo vết thương, làm sẹo mềm mại, chống dính và co kéo do sẹo...

Mặc dù nhiệt nóng được chỉ định rất rộng rãi và an toàn, nhưng cũng có những chống chỉ định. Đó là các vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu, các ổ viêm đã hóa mủ, các vùng có khối u cả u lành và u ác tính, các vùng lao đang tiến triển như lao khớp, lao cột sống, các chấn thương mới trong một hai ngày đầu, những người đang sốt.

Cách dùng: Mỗi lần đắp nóng nên duy trì 20-30 phút. Một ngày có thể đắp nóng 1 đến 4 lần. Mỗi lần đắp nóng không quá 1/6 diện tích cơ thể để tránh gây rối loạn thân nhiệt. Khi đắp nóng cần chú ý tránh để nhiệt độ quá cao (>40o) vì có thể gây bỏng.

Nhiệt lạnh

Nhiệt lạnh gây ra các tác dụng ngược lại so với nhiệt nóng, như làm co mạch, giảm tuần hoàn, giảm dinh dưỡng, giảm chuyển hóa, giảm tiêu thụ oxy, giảm tính thấm của mô. Nếu bị lạnh quá lâu có thể gây ra thiếu dinh dưỡng và hoại tử mô do lạnh. Nhiệt lạnh được dùng để làm giảm sưng nề sau các chấn thương mới, làm giảm chảy máu ở những vùng đang chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu, như chườm lạnh vùng thượng vị trong chảy máu dạ dày, giảm tụ máu, giảm nề trong chấn thương mới (một hai ngày đầu), chườm lạnh để hạ nhiệt độ khi sốt cao, bảo quản mô ghép giúp mô ghép chịu đựng được tình trạng thiếu oxy kéo dài mà không bị hủy hoại. Người ta thường dùng túi nước lạnh, túi nước đá, hoặc ngâm chi trong nước lạnh. Cần chú ý thời gian chườm lạnh cần ngắn vài phút, không kéo dài để tránh gây tổn thương mô do thiếu dinh dưỡng.

BS. Phan Kim Toàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sa uyển tử

Sa uyển tử, tên khác đồng tật lê, sa uyển tật lê. Bộ phận dùng là hạt chín khô. Sa uyển tử vị ngọt, tính ấm, lợi về gan và thận, có công hiệ...