Hiện nay, mặc dù Việt Nam đã có các quy định, quy chuẩn cho dược liệu, tuy nhiên, thực tế dược liệu chưa được chuẩn hóa vẫn chiếm thị phần lớn. Cũng như thực phẩm, dược liệu trên thị trường hiện nay đa phần là thành phẩm mà việc kiểm tra, kiểm định còn rất hạn chế. Điều này đang gây nhiều hiểm họa cho sức khỏe người dân.
Sơ chế dược liệu ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu
Những năm qua, chúng ta đã có các tiêu chuẩn rất cụ thể và chi tiết cho từng dược liệu nhưng trên thực tế, chúng ta chưa làm được thật nghiêm túc và chặt chẽ. Theo GS.TS. Dương Trọng Hiếu - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương thì “Thuốc nào cần hoạt chất gì, hàm lượng bao nhiêu là đủ, tiêu chí như thế nào, chẳng hạn trong sâm cần có bao nhiêu saponin là đủ… thì chúng ta lại chưa thực hiện”. Việc thu mua dược liệu hiện nay còn mang tính trôi nổi, chưa có quy hoạch trồng và chăm sóc một cách bài bản bởi cùng một giống dược liệu mà trồng ở những nơi khác nhau sẽ cho chất lượng dược liệu khác nhau.
Quy trình thu hái cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dược liệu. Thu hái cái gì vào mùa nào, thời gian thu hái (buổi sáng, trưa, chiều, tối…) đều ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt chất có trong dược liệu. Chẳng hạn như ngải cứu cần được thu hái vào buổi sáng ngày 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ) thì sẽ cho hoạt chất tốt nhất…
Chỉ sử dụng dược liệu đúng tiêu chuẩn. Ảnh: TM
Sau khi thu hái xong, cần chế biến và bảo quản đúng cách. Chế biến, bảo quản kịp thời mới không làm mất các hoạt chất có trong dược liệu. Ngược lại, nếu chế biến để lâu, bảo quản sai sẽ làm giảm hoạt chất. Chẳng hạn như các vị thuốc có chứa alkaloid (hạt mã tiền…) nếu bị nắng nóng nhiều, các alkaloid có trong dược liệu sẽ bị phá hủy. Vì vậy, thu hái xong cần phơi trong bóng râm (âm can) mới đảm bảo chất lượng.
Khâu bảo quản, chống mốc mọt cũng rất quan trọng. Để bảo quản có thể dùng một số hóa chất, trong đó có diêm sinh. Vậy dược liệu nào có thể xông diêm sinh, dược liệu nào không được xông cũng cần phải tuân theo quy chuẩn để đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn như khung, quy, thục, dược… thì có thể xông diêm sinh. Ngược lại, cúc hoa, hạt sen... là những dược liệu tuyệt đối không được xông diêm sinh…
Sơ chế dược liệu nếu thực hiện không đúng sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dược liệu. Khâu chế biến cũng phải đúng quy định. Chẳng hạn như để sinh địa trở thành thục địa phải cửu chưng, cửu sái, có nghĩa là 9 lần đun, 9 lần phơi. Khi đun phải cho sa nhân, gừng thì dược liệu mới biến tính. Nếu làm không đúng quy trình, dược liệu không biến tính sẽ không còn tác dụng chữa bệnh, thậm chí thành chất độc. Vì vậy, tất cả các khâu từ chọn giống, chọn đất, trồng trọt, chăm bón đến thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến… đều ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dược liệu.
Nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng dược liệu chưa đạt chuẩn hóa
Giống như thực phẩm, dược liệu mà trồng trên vùng đất bị ô nhiễm, nguồn nước tưới bị ô nhiễm thì các dược liệu này sẽ nhiễm các chất độc hại như các kim loại nặng (đồng, chì, măng-gan…) gây độc cho người sử dụng. Có thể bản thân dược liệu tốt nhưng vì đất trồng không tốt, nước tưới bị ô nhiễm… nên dược liệu tốt bị nhiễm chất độc. Ngoài ra, nếu đất nghèo chất dinh dưỡng sẽ làm cho hoạt chất trong dược liệu cũng bị nghèo theo.
Khâu bảo quản, chế biến không đúng cách làm cho dược liệu bị biến tính. Dược liệu đang có các hoạt chất chữa bệnh trở thành không có hoạt chất ấy nữa, có chất khác độc hại hoặc không có tác dụng trong điều trị. Chưa kể sự tồn dư các loại nấm mốc, mối mọt trên dược liệu sẽ gây bệnh cho người sử dụng.
Một số dược liệu bị sâu bệnh khiến người ta phải dùng hóa chất để diệt. Việc trừ sâu bệnh nếu không đúng quy định sẽ làm lưu lại các chất độc trên dược liệu.
Những hậu quả của việc sử dụng dược liệu chưa đạt chuẩn hóa: Gây tổn hại tới gan với các biểu hiện như kém ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt…; Gây hại nhu mô thận; Gây rối loạn tiêu hóa, sẽ bị đau bụng, đi ngoài, lúc táo lúc lỏng… Một số ít dược liệu còn gây ngộ độc thần kinh. Nếu dược liệu có asen, thủy ngân…- các kim loại này sẽ gây tổn hại đến các tế bào thần kinh với các biểu hiện như tiêu chảy, sốc, toan chuyển hóa, tiêu cơ vân, rối loạn nhịp tim, suy tim, thiếu máu, giảm bạch cầu, bệnh thần kinh ngoại biên... Các dược liệu bôi ngoài da có thể làm hỏng da, gây phồng rộp da, viêm da do thủy ngân 1, thủy ngân 2 như khinh phấn (thủy ngân 1) nếu đun lên, thủy ngân bị tách ra sẽ trở thành chất độc, còn nếu để hợp chất thì không độc.
Lời khuyên của thầy thuốc
Theo GS. Dương Trọng Hiếu, ở tầm vĩ mô, chúng ta cần có nghiên cứu bài bản lâu dài của Viện Dược liệu: thổ nhưỡng, chất đất, quy trình chăm bón, thu hái, bảo quản… theo đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn quy định và được kiểm tra thường xuyên, kiểm định nghiêm ngặt. Cần tăng cường kiểm tra chất lượng dược liệu ở mọi khâu, kiểm tra đột xuất, xác suất, có các phương tiện kiểm tra hiện đại, đồng bộ, có các test nhanh để bảo vệ người tiêu dùng.
Đối với các nhà sản xuất, kêu gọi lương tâm, trách nhiệm của nhà sản xuất. Đề cao vai trò của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng. Tẩy chay các dược liệu chưa đạt chuẩn hóa. Người dân nên lưu ý khi sử dụng dược liệu chữa bệnh:
Nên khám chữa bệnh ở những cơ sở y học cổ truyền có uy tín. Những người đã được đào tạo bài bản sẽ có trách nhiệm đối với các bệnh nhân của mình; Không nên sử dụng các loại dược liệu trôi nổi trên thị trường hoặc nghe theo lời mách bảo của người khác; Chỉ sử dụng các dược liệu đã được thẩm định, có nơi chịu trách nhiệm, không dùng tùy tiện, gặp đâu dùng đấy.
Mai Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét